Nhớ về dòng sông tuổi thơ

0
3912
ta-dong-song-que-em

Với tôi, trong kí ức tuổi thơ không bao giờ mờ phai về dòng sông mang tên: Cà Lồ – một chi lưu của sông Cầu, thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Dòng sông ấy không chỉ cung cấp nước tưới cho cây trồng với mùa màng tốt tươi; cung cấp nước sinh hoạt cho con người mà cá, tôm, cua, ốc, hến cũng sản sinh từ dòng sông ấy cũng chính là nguồn thức ăn cải thiện cho những bữa cơm của rất nhiều hộ gia đình nông dân thêm “tươi”, thêm phần tươm tất.

Kỷ niệm với tôi, với những lũ trẻ trong xóm, cũng như hết thảy những người dân quê đã sinh ra và lớn lên ở ngôi làng nhỏ nhoi ven con sông ấy nhiều vô kể. Nào những trưa hè oi ả bọn trẻ chúng tôi thậm chí là cả người lớn thường ra sông tắm mát, nô đùa dưới làn nước trong xanh. Nào những buổi chiều chạng vạng hoàng hôn, lúc lùa trâu bò về sau buổi chăn thả ngoài đồng, bao giờ bọn trẻ chúng tôi cũng cho lũ trâu bò xuống bến sông uống nước no nê rồi mới lùa chúng về chuồng ngủ.

Thích nhất và nhớ hơn cả là những buổi được theo mẹ, theo chị ra sông dầm mình xuống nước để mò hến. Những năm tháng còn nhỏ xíu, mẹ thường cấm tiệt tôi ra sông bởi mẹ sợ tôi đuối nước, mà chỉ khi nào có người lớn đi cùng thì mới được ra theo. Chuyện bơi lội, tắm táp hay ra sông mò hến cũng vậy, hễ mẹ bận việc gì đó thì phải có chị hoặc anh đi cùng thì tôi mới được phép lội sông. Khi tuổi đã lớn hơn chút xíu, và đặc biệt là lúc tôi đã biết bơi thuần thục thì chuyện tôi ra sông mới được mẹ … thả lỏng. Với hết thảy bọn trẻ trong xóm, trong làng tôi cũng vậy, nếu còn nhỏ mà trốn ra sông tắm, hay tự ý lội sông mò cua bắt hến là chắc chắn sẽ bị đánh đòn nếu như cha mẹ hay người lớn phát hiện.

Dòng sông quê hương như một người mẹ với tình yêu bao la rộng lớn, khi nó luôn luôn cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt, rồi cá, tôm, cua, ốc phục vụ cuộc sống của người dân nơi nó chảy qua. Gia đình tôi không có ai làm công việc chài lưới đánh bắt tôm, cá, nhưng ốc, hến ở dưới sông luôn là nguồn thức ăn cải thiện trong các bữa cơm hàng ngày. Cứ khi không phải tới trường, hoặc khoảng thời gian rảnh trong lúc nông nhàn là các thành viên trong gia đình tôi và nhiều gia đình trong làng lại rủ nhau ra sông mò hến. Hến ở dưới sông nhiều vô kể, cứ hết xấp này sinh ra lớn lên, rồi lại có ngay những con hến nhỏ kế tiếp, khiến cho dòng sông lúc nào cũng có một lớp hến dày như nêm cối. Chẳng vậy mà nếu hôm nào gia đình tôi đi 3 người thì chỉ cần mò khoảng hơn tiếng đồng hồ là đầy luôn cả chậu thau lớn hến. Vì hến dày, nhiều như vậy nên thay vì mò bằng tay để bắt lên từng vài ba con như thông thường, người bắt hến chỉ cần dùng cái rỏ nan tre đan thưa mắt. dìm xuống sát đáy sông, lấy tay gạt lớp bùn mỏng vào rổ, sau đó nhấc lên đãi là được ngay một mẻ hến nặng tới cả ký lô.

Hến mò về phần lớn mẹ thường dùng để nấu canh, nấu cháo rồi sau đó mới tính đến chuyện mang ra chợ bán. Mà thực ra chính nguồn hến bắt được dưới lòng sông quê của những ngày xưa ấy, mẹ đã bán và dùng số tiền ấy mua sách bút, áo quần cho mấy anh chị em chúng tôi. Rồi nữa những đồng tiền từ bán hến đó cũng ít nhiều phụ thêm cho biết bao các chi phí trong sinh hoạt hàng ngày vốn luôn túng kém, thiếu trước hụt sau, để mẹ nuôi chúng tôi lớn khôn lên người.

Biết ơn người mẹ tảo tần quanh năm vất vả vì tương lai của đàn con, nhưng tôi cũng chưa bao giờ quên nói lời cảm ơn dòng sông quê hiền hòa đã gắn bó biết bao nhiêu kỉ niệm thời thơ ấu của mình. Mỗi khi nhớ về quê là nhớ về dòng sông đã nuôi tôi lớn khôn, là biết bao kí ức tuổi thơ trong tâm hồn mình lại ùa về như thước phim quay chầm chậm, đẹp và vô cùng lung linh sắc nét. Những lúc tư lự cùng hoài niệm như vậy tôi thường khẽ thốt lên: Ôi quê hương với dòng sông tuổi thơ tôi…!